THỦNG DẠ DÀY Ở TRẺ EM – MỘT TRƯỜNG HỢP HIẾM GẶP

Thứ năm - 06/04/2023 14:45
Trước đây viêm loét dạ dày, tá tràng là bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em nên đau bụng ở trẻ thường được chẩn đoán là do rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng giun. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, 2/3 số trẻ duới 15 tuổi đau bụng do viêm loét dạ dày tá tràng. Có nhiều trường hợp vào cấp cứu vì nôn ra máu, một số trường hợp biến chứng thủng dạ dày
THỦNG DẠ DÀY Ở TRẺ EM – MỘT TRƯỜNG HỢP HIẾM GẶP

Ngày 04/4/2023, Khoa Ngoại tổng hợp – Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba tiếp nhận bệnh nhân L.Q.T, 15 tuổi, trú tại xã Mạn Lạn – huyện Thanh Ba, khoảng 9h sáng cùng ngày xuất hiện đau bụng từng cơn, đau dữ dội vùng quanh rốn kèm theo nôn. Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, bệnh được chẩn đoán: Thủng tạng rỗng nghi thủng ổ loét hành tá tràng.

Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành phẫu thuật nội soi. Trong quá trình phẫu thuật ghi nhận mặt trước hành tá tràng sát tiền môn vị có 01 lỗ thủng kích thước 0,7x0,7cm bờ lỗ thủng mềm mại có dịch dạ dày chảy qua. Bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng hành tá tràng, lau rửa sạch ổ bụng. Hiện tại trẻ ổn định, chờ xuất viện.

Theo Bác sĩ Nội trú Nguyễn Thị Thu Trang, thủng dạ dày - tá tràng là một cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp. Nếu không được chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 30-50 tuổi, những người có thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, ăn đồ chua, cay nóng, hay căng thẳng kéo dài, lối sống không điều độ, khoa học…

Thủng dạ dày ở trẻ em hiếm gặp nên rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý cấp tính khác như viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột, viêm túi mật, viêm tụy,... Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em đa số do nhiễm vi trùng H.pylori (HP). Vi trùng theo đuờng miệng – phân do vệ sinh ăn uống kém, ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhiễm bẩn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp thủng dạ dày, tá tràng, nhiễm HP chỉ là yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh, Nguyên nhân cũng rất quan trọng là yếu tố tâm lý, học tập căng thẳng, xem tivi, chơi game quá nhiều, thức khuya, ăn nhiều thức ăn nhanh không đúng giờ giấc.

Phòng tránh bệnh

Nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội phải đi khám ngay tránh các biến chứng nguy hiểm. Nên kiểm tra khả năng bé bị nhiễm vi trùng H.pylori dạ dày.

Không xem tivi, chơi game quá nhiều, đặc biệt là khi ăn. Khuyến khích trẻ tập luyện thể thao để cơ thể có sức đề kháng với bệnh tật. Ăn nhiều rau quả, đủ chất dinh duỡng, tránh thức khuya, ngủ đủ 8-10 tiếng/ ngày. Trò chuyện, gần gũi khi trẻ bị căng thẳng trong học tập. Đặc biệt bỏ tập quán mớm cơm cho con nhỏ để tránh lây nhiễm HP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây