THÊM 1 TRƯỜNG HỢP TRẺ NHỎ BỊ CHÓ CẮN, CHA MẸ KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN

Thứ hai - 12/04/2021 13:55

THÊM 1 TRƯỜNG HỢP TRẺ NHỎ BỊ CHÓ CẮN, CHA MẸ KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN

          Trong thời gian vừa qua, Khoa Ngoại - Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị chó cắn gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tâm lý trẻ nhỏ.

          Gần đây, Bệnh nhi 52 tháng tuổi ( Thanh Ba- Phú Thọ) bị chó nhà hàng xóm cắn được đưa vào viện trong tình trạng có nhiều vết thương vùng đầu, vùng thái dương gây chảy máu nhiều.

          Khám thấy vùng thái dương phải có vết thương dài khoảng 7cm, rách lóc da, nát cân Galia, lộ xương hộp sọ, mép vết thương nham nhở; vùng trán và vùng đỉnh đầu có vết rách sâu sát xương.

Ảnh

          Các bác sĩ khuyến cáo, chó tuy là động vật rất gần gũi với con người, nhưng bản năng hoang dã khiến chúng có những phản ứng rất quyết liệt nhất là lúc đang ăn, ngủ và nuôi con…

          Được biết thời gian gần đây tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng tiếp nhận các trường hợp trẻ nhỏ bị chó nhà và chó hàng xóm cắn. Vì vậy các gia đình nếu có nuôi chó thì chúng cần phải được chích ngừa, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ. Phụ huynh, người trông trẻ cũng cần cảnh giác với chó nuôi trong tất cả mọi trường hợp để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra với trẻ.

Trong trường hợp không may bị chó cắn việc xử lý vết thương đúng và kịp thời là hết sức quan trọng. Các bước sơ cứu tại chỗ như sau:

 

          Làm sạch: điều quan trọng trước tiên là làm sạch vết thương do chó cắn. Bạn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông và nước để rửa vết thương. Rửa nhẹ nhàng chứ đừng chà xát mạnh.

          Thuốc sát trùng: Để làm sạch vết chó cắn, bạn có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn hoặc nước ô xi già. Những thuốc này sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Chỉ đổ một lượng nhỏ lên vết cắn. Hãy thổi nhẹ vào vết thương khi bôi thuốc vì nó sẽ rất xót.

          Nâng cao vùng bị thương: Nếu bị chó cắn vào chân hay cánh tay, bạn cần giơ cao vùng bị thương lên. Việc này rất quan trọng vì khi bị chó cắn bạn có thể bị chảy máu nhiều và cách làm này sẽ giúp cầm máu.

          Cầm máu: Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10 -15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương bạn không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Lúc này bạn nên đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc lên nữa lên trên. Chú ý không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn. Và chờ cho đến khi máu ngừng chảy thì băng lại vết thương.

          Trong trường hợp nếu vết thương sâu và trẻ bị ra nhiều máu, máu phun thành tia bạn dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây