TTYT huyện Thanh Ba

http://trungtamytethanhba.vn


PHÒNG BỆNH CÚM KHI GIAO MÙA

Thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường làm cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm là nguyên nhân khiến nhiều người dễ mắc bệnh cảm cúm. Tuy là bệnh thông thường nhưng cảm cúm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Biến chứng dễ xảy ra ở người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người có hệ miễn dịch kém.

Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Nguyên nhân gây cúm do các chủng virus cúm A, B, C. Trong đó, cúm A và B là hai chủng gây bệnh phổ biến nhất.

12

Những đối tượng dễ mắc cảm cúm nhất và dễ diễn biến nặng gây biến chứng là:

  • Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi
  • Người trên 65 tuổi
  • Phụ nữ mang thai
  • Người bị suy giảm hệ miễn dịch
  • Người có các bệnh lý mạn tính như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, HIV/AIDS hoặc ung thư…

Triệu chứng cảm cúm

  • Thời gian ủ bệnh: Thường từ 1-4 ngày, trung bình là 2 ngày.
  • Thời kỳ lây bệnh: Người bệnh đào thải virus khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng.
  • Virus cúm tấn công hệ thống hô hấp gây ra các triệu chứng:
  • Sốt, có thể sốt cao, ớn lạnh và đổ mồ hôi.
  • Chảy nước mũi, nước mắt, ngạt mũi, hắt hơi.
  • Đau họng.
  • Ho, cơn ho ngắn, không có đờm.
  • Đau đầu. Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể.
  • Mệt mỏi, chán ăn, có cảm giác như kiệt sức.
  • Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em.

Phòng bệnh cúm như thế nào?

  • Giữ vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh răng miệng, mũi họng.
  • Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, đặc biệt khi giao mùa chuyển từ nóng sang lạnh.
  • Hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh, nhất là những người có biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp. Khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm. Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.
  • Che miệng khi ho và hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi.
  • - Tập thể dục đều đặn bằng các hình thức tập luyện phù hợp với bản thân để cơ thể luôn khoẻ mạnh.
  • Ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung các loại vitamin, nhất là vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng các thực phẩm giàu vitamin C như: rau xanh, các loại quả như táo, cam, quýt, bưởi…
  • Chủ động tiêm vaccine phòng cúm. Các vaccine phòng cúm an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao 70-90%.

 

Những người nên tiêm vaccine phòng cúm là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ biến chứng cao như: Trẻ em; phụ nữ mang thai; người trên 65 tuổi; người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim mạch, người nhiễm HIV/AIDS, ung thư, nhân viên y tế...

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A,B). Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ sở y tế.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây