TTYT huyện Thanh Ba

http://trungtamytethanhba.vn


“THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2014”

Tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014 với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố” được triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc, có hiệu quả các hoạt động trong tháng hành động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm ATVSTP, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Mục tiêu của Tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014 hướng đến là nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị, Ban quản lý lễ hội, Ban quản lý khu công nghiệp, trường học, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, chợ đầu mối đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên các phương tiện thông tin đại chúng; 100% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, các sở, ngành có liên quan, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

Với kế hoạch hành động cụ thể, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp nỗ lực đảm bảo ATVSTP. Cụ thể, Sở Y tế đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng tháng hành động, thông qua đó, kêu gọi các cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia phổ biến, tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm; cung cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng ăn, uống kiến thức chế biến thực phẩm an toàn, giảm tới mức thấp nhất các trường hợp ngộ độc do thực phẩm gây ra. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về ATVSTP được đẩy mạnh và triển khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng; nhà quản lý về an toàn thực phẩm nhằm thực hiện tốt các quy định vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm ở các điểm kinh doanh, dịch vụ thực phẩm; tăng cường công tác vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra cấp tỉnh và chỉ đạo tất cả các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATVSTP của địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh vi phạm về ATVSTP nhằm đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo ATVSTP.

Qua kiểm tra phần lớn các chủ cơ sở, sản xuất kinh doanh chế biến đều nhận thức tốt về công tác đảm bảo ATVSTP trong kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh chế biến thức ăn đường phố vi phạm quy định. Chủ yếu do chưa có hợp đồng với bên cung cấp nguyên liệu nấu nướng; chưa tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho các nhân viên; khu vực nấu nướng chưa gọn gàng, sạch sẽ… Kết quả, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1545 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý 533 cơ sở vi phạm. Trong đó phạt tiền 23 cơ sở, với tổng số tiền phạt 48.150.000 đồng; tiêu hủy 0,4 kg hàn the, 33 gói ngũ vị hương, 50 kg mỳ chính giả… Đi đôi với xử phạt, Đoàn đã tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở tăng cường đầu tư cải tạo cơ sở kinh doanh, chế biến, thường xuyên tổng vệ sinh và sắp xếp gọn gàng tại khu chế biến và thiết bị bảo quản thực phẩm, coi trọng việc kiểm tra chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm, thời hạn sử dụng, nguyên liệu phụ gia thực phẩm…. góp phần không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại cơ sở mình.

Tháng hành động vì chất lượng VSATTP đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân và các cơ sở thực phẩm. 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh được tiếp cận với những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm. Trong thời gian triển khai Tháng hành động không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn tỉnh. Không chỉ giới hạn trong khuôn khổ tháng hành động, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được Ngành Y tế triển khai thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức và từng bước thay đổi hành vi của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây