ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN TÂM THẦN TẠI CỘNG ĐỒNG KHÔNG CHỈ LÀ CHỮA BỆNH

Thứ tư - 31/10/2018 07:42

Chương trình mục tiêu Quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 1999. Sau 15 năm triển khai, Chương trình không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng mà còn mang đến nhiều ý nghĩa nhân văn khác.

Khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, các cán bộ của Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã về từng xã, phường, thị trấn khám sàng lọc, đến từng hộ gia đình để động viên đưa con em bị bệnh tâm thần đi chữa trị tại cơ sở y tế. Trong quá trình đi thực tế tại cộng đồng, các bác sĩ, thầy thuốc của Bệnh viện đã chứng kiến không biết bao trường hợp thương tâm khi bệnh nhân tâm thần bị gia đình nhốt, bị xiềng xích nhiều năm liền do mắc bệnh tâm thần phân liệt. Không phải gia đình đối xử tệ bạc với người bệnh mà chỉ vì xuất phát từ tình yêu thương và sự hiểu biết về bệnh tâm thần, cách chữa bệnh còn hạn chế. Nhiều trường hợp người bệnh sau những đợt điều trị ổn định được ra viện về nhà uống thuốc duy trì chống tái phát nhưng do người bệnh và gia đình người bệnh không tuân thủ quy định nên người bệnh dễ phát bệnh trở lại. Chương trình được triển khai, tất cả người bệnh sau khi điều trị ổn định đều được cấp sổ điều trị ngoại trú, quản lý theo dõi. Để việc điều trị cho người bệnh tâm thần tại cộng đồng đạt hiệu quả, các cán bộ của Bệnh viện thường xuyên kết hợp với trạm y tế xã, phường, thị trấn đến thăm hộ gia đình hướng dẫn người nhà cách chăm sóc, ứng xử trước hành vi, lời nói của người bệnh cũng như nhắc nhở gia đình duy trì cho người bệnh uống thuốc đều đặn. Hướng dẫn cách khắc phục tác dụng phụ do thuốc mang lại cho người bệnh để từ đó gia đình yên tâm tin tưởng trong quá trình điều trị. Phát hiện sớm những trường hợp có biểu hiện tái phát tại cộng đồng để có hướng điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp với tính chất của từng người bệnh.

Từ thực tế triển khai tại cơ sở, năm 2010, các Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã thực hiện đề tài nghiên cứu: “Đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt dựa vào cộng đồng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng mô hình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”. Đây là một đề tài có tính ứng dụng cao và có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc. Thông qua việc khảo sát thực tế tại các xã triển khai chương trình, các bác sỹ đã rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp trong việc điều trị cho người bệnh tâm thần tại cộng đồng phù hợp với mô hình bệnh tật và điều kiện kinh tế của người dân trong tỉnh. Trong đó quy trình cấp phát thuốc phải được thực hiện nghiêm ngặt, kết hợp với theo dõi, quản lý và tăng cường sự trao đổi với gia đình người bệnh giúp các y, bác sĩ nắm bắt kịp thời diễn biến tâm lý, đồng thời có hướng điều trị kịp thời. Với tỷ lệ bệnh nhân tâm thần phân liệt lĩnh thuốc đều đạt 93,1%, ổn định tại cộng đồng đạt 99,4%, tái phát 0,2%, tàn phế 0,06 %, kích động 0,26%, nguy hại 0,03 %,  Phú Thọ là một trong những tỉnh hoàn thành tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng trong toàn quốc.

Chương trình điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng động không chỉ chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần mà còn đem đến nhiều hơn thế cho gia đình và cộng đồng. Chi phí quản lí điều trị ngoại trú tại cộng đồng bình quân là 150.000 đồng/người bệnh/tháng, thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị nội trú trong bệnh viện (3,5 triệu đồng/người bệnh/tháng). Hiệu quả kinh tế sẽ còn lớn hơn nữa nếu tính đến việc người bệnh điều trị tại cộng đồng có thể lao động sản xuất làm ra của cải vật chất. Ngoài ra, chương trình còn giúp ổn định an ninh – trật tự xã hội khi không còn cảnh bệnh nhân tâm thần lang thang, quậy phá. Nhiều bệnh nhân sau khi được chữa trị đã tham gia lao động, kiếm sống, giúp đỡ gia đình. Tại các xã, phường được triển khai chương trình, nhân dân, chính quyền và các đoàn thể đã nâng cao được nhận thức về sức khỏe tâm thần, bệnh nhân tâm thần được chăm sóc, giúp đỡ, nhận được sự thông cảm, sẻ chia từ gia đình và mọi người xung quanh. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân ổn định, sống hoà nhập với cộng đồng tăng lên, tỷ lệ tái phát, đi viện ngày càng giảm.

Hàng năm, từ chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã cấp thuốc đến các trạm y tế cơ sở, từ đó người bệnh tại các địa phương, đặc biệt là các bệnh tâm thần phân liệt và bệnh động kinh được cấp thuốc miễn phí cho đến khi khỏi bệnh. Để duy trì tốt việc theo dõi quản lý bệnh nhân, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại cộng đồng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đang tiếp tục rà soát lại số bệnh nhân quản lý trong toàn tỉnh, tiếp tục chỉ đạo, giám sát, đồng thời hướng dẫn cho các cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn phương pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng; tăng cường công tác truyền thông kêu gọi cộng đồng, xã hội cùng chung tay giúp đỡ bệnh nhân tâm thần, cùng nêu cao tinh thần “tương thân tương ái”, không phân biệt kỳ thị với bệnh nhân tâm thần… Nhờ vậy, mỗi năm, có hàng trăm bệnh nhân tâm thần ổn định, thuyên giảm bệnh lý, không phải điều trị duy trì bằng thuốc, các phương pháp điều trị bằng liệu pháp tâm lý, phục hồi chức năng được thay thế.

Tuy nhiên, do tính chất của Chương trình là dựa vào cộng đồng nên cần được sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ gia đình, cộng đồng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể để đem lại sức khỏe, cơ hội hòa nhập cho bệnh nhân và giảm các yếu tố nguy hại cho gia đình, xã hội./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây