U đa hình tuyến nước bọt là một khối u lành tính của tuyến nước bọt, nó chủ yếu ảnh hưởng tới thùy nông của tuyến mang tai. Bản chất “đa hình” của u là do nguồn gốc biểu mô và mô liên kết của u. U thường xảy ra nhiều hơn ở nữ từ 30 - 50 tuổi.
Bác sĩ Vi Quốc Hiếu – Khoa Liên Chuyên khoa Mắt – Răng Hàm mặt – Tai mũi họng cho biết: Thông thường, u tiến triển chậm sưng không gây triệu chứng. Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị chủ yếu và hầu hết có bảo tồn dây thần kinh số VII.
Khối u lành tính phổ biến nhất của tuyến nước bọt là u đa hình 80% và có thể ở tất cả các vị trí của vùng đầu cổ do mô tuyến nước bọt được phân bố rộng rãi. Vị trí thường gặp nhất là tuyến nước bọt mang tai 85%, sau đó là các tuyến nước bọt phụ 10%, tuyến dưới hàm 5%. Trong hầu hết các trường hợp, khối u thường bắt nguồn tại thùy nông của tuyến, tuy nhiên u có thể gặp ở khoang bên hầu. U đa hình có thường là các tổn thương đơn độc nhưng nó có thể thấy cùng với các khối u tuyến nước bọt khác, phổ biến nhất là u Warthin. U đa hình có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là bệnh nhân ở độ tuổi từ 30-50.
Biểu hiện lâm sàng của u đa hình là một khối chắc, không đau, tiến triển chậm tại thời điểm chẩn đoán. U được bao quanh bởi một lớp vỏ xơ có độ dày khác nhau với ranh giới rõ giữa u và mô tuyến bình thường. Sự đa hình thái là đặc trưng của u đa đình. U đa hình có sự kết hợp của biểu mô dạng tuyến và mô dạng trung mô, nhưng các thành phần này thay đổi khác nhau.
Việc điều trị u đa hình đó là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn và bảo tồn cấu trúc thần kinh gần nó. Việc đánh giá chính xác nhờ hình ảnh trên phim CT Scan và MRI, tiến hành chọc hút bằng kim nhỏ (FNAC) cung cấp thông tin quan trọng để lên kế hoạch điều trị. Trong điều trị u tuyến mang tai, mục tiêu phẫu thuật là phải đạt được loại bỏ hoàn toàn khối u và không gây ảnh hưởng tới dây thần kinh mặt. Vỏ bao khối u có thể bị vỡ trong quá trình phẫu thuật, do đó cần phải phẫu thuật chính xác để phẫu thuật khối u thành công.Trường hợp lâm sàng
Người bệnh Đỗ Hùng T ; 75 tuổi ;địa chỉ Yển Khê – Thanh Ba – Phú Thọ , đến khám vì lí do sưng phồng vùng mang tai trái, có tiền sử Tăng huyết áp. Khối sưng ban đầu nhỏ, sau đó to dần lên, không đau. Thời gian kể từ khi xuất hiện u cho tới thời điểm khám bệnh là khoảng 20 năm. Bệnh nhân chưa từng được điều trị bằng phương pháp nào.
Ngày 28/8/2019 , với sự hỗ trợ chuyên môn của Bác sĩ, Tiến sĩ Lê Ngọc Tuyến - Phó trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình hàm mặt - Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Người bệnh đã được phẫu thuật thành công, bảo tồn dây thần kinh mặt không biến chứng sau mổ. Sau 10 ngày điều trị, người bệnh đã ổn định ra viện.
Tác giả bài viết: Hoài Thương - Phòng QLCL
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Album Phong cảnh